Các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân.
Hà Tĩnh dù không nằm trong vùng bão số 4 đổ bộ trực tiếp, tuy nhiên, từ chiều 18/9 tới sáng 19/9, đã có mưa to, gió lớn, biển động dữ dội. Đặc biệt, từ gần sáng và ngày 19/9, vùng đất liền ven biển Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6-7.
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tính tới sáng 19/9, trong 3.651 tàu, thuyền với 10.666 lao động thì 3.650 phương tiện/10.661 lao động đang neo đậu tại các bến bãi.
Từ ngày 18/9 tới sáng 19/9, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dông, lốc xoáy, gây ra một số thiệt hại.
Cụ thể, tại xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) có 36 công trình nhà ở, công trình phụ trợ bị tốc mái, 10 cột đèn đường, 50 cây bị gãy đổ; xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) có 3 nhà bị tốc mái.
Tại huyện Can Lộc, 1 hộ dân ở xã Sơn Lộc bị tốc mái, 2 cột điện ở xã Quang Lộc bị đổ gãy. Tại huyện Lộc Hà có 2 ngôi nhà bị tốc mái cùng 10 mái che nhà dân ở xã Thịnh Lộc bị ảnh hưởng. Lúc 10h ngày 19/9, tại xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) có 16 nhà dân bị tốc mái.
Từ 19h ngày 18/9 đến trưa 19/9, trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã xảy ra mưa to từ 86,2 mm đến 151 mm. Vào lúc khoảng 10h sáng 19/9, tại thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân đã xảy ra lốc xoáy.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng xung kích PCTT và ngành chức năng địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ người dân, khắc phục thiệt hại do dông lốc gây ra.
Dưới đây là một số hình ảnh về tình trạng ngập lụt, sạt lở tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống:

Khu vực tràn ở Km 31+900 tỉnh lộ 551 của Hà Tĩnh có nơi ngập nước 0,4m.



Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 tại huyện Vũ Quang.







