Trang thông tin tổng hợp
Trang thông tin tổng hợp
  • Ẩm Thực
  • Công Nghệ
  • Kinh Nghiệm Sống
  • Du Lịch
  • Hình Ảnh Đẹp
  • Làm Đẹp
  • Phòng Thủy
  • Xe Đẹp
  • Du Học
Ẩm Thực Công Nghệ Kinh Nghiệm Sống Du Lịch Hình Ảnh Đẹp Làm Đẹp Phòng Thủy Xe Đẹp Du Học
  1. Trang chủ
  2. Hình Ảnh Đẹp
Mục Lục

Bùi Giáng – Bước Đi Trong Cõi Thơ

avatar
kangta
13:47 09/05/2025

Mục Lục

Thời trẻ yêu thơ. Cùng với bạn bè, chúng tôi chép thơ đầy kín những quyển tập học trò. Rất thảng hoặc trong các tập thơ ấy mới có được một bài của Bùi Giáng.

Tôi không băn khoăn lắm về sự vụ vì sao thơ ông vẫn chưa phổ cập kể từ bấy đến giờ ? Chỉ biết rằng với riêng mình, càng lớn lên, khi mà cuộc sống bắt phải bôn ba bận rộn với những thực tế chẳng thơ mộng gì, thì hầu hết những bài thơ yêu thích ngày xưa trở nên kém mặn mà và rơi dần vào quên lãng. Duy chỉ có thơ Bùi Giáng thì vẫn giữ được sự nguyên sơ trong cảm hứng.

Điều đó chắc chắn không có căn nguyên từ một ân tình riêng chung nào. Cho dù tôi đã được đôi lần tiếp xúc, rong chơi và được thỏa thích nghe ông nói chuyện cà kê như là một người bạn…

Gần hai mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ như in hình bóng ông : Một gương mặt già cỗi, cau có, ghét bẩn. Quần áo lôi thôi cũ kỹ, và thường thì ba bốn áo mặc chồng vào nhau, khi thì cột bằng dây chuối, lúc thì thắt bằng dây thun …

Nhiều người bảo ông điên. Thì đúng là ông điên thật. Ông điên uyên bác. Ông điên bác học. Ông điên ngây thơ. Ông điên thơ mộng. Ông điên để có thể dâng tặng mọi người máu xương tâm huyết. Ông điên để có thể để lại cho mọi người một sự nghiệp đồ sộ các tác phẩm từ Triết học, khảo luận, dịch thuật, đến Thi ca. Đặc biệt là Thi ca. Một thứ Thi ca mênh mông dàn trãi mà dồn tụ. Thứ thi ca trừu tượng xuất thần. Đọc lên một lần rồi cứ vang vọng mãi, đọng mãi trong hồn để rồi bất kỳ một lúc nào, một hoàn cảnh nào đọc lên cũng nghe réo rắt, cũng thấy đồng cảm tương thích, từ vui tươi hoan lạc đến bi thảm, tàn tạ, thống thiết nhất.

Họ bảo ông điên và đúng là ông điên thật. Điên một cách tình nguyện vui tươi. Ông từng bảo :” …Hãy để cho tôi điên tôi dại. Đừng ai nói đến tôi, và nhất là đừng có bàn đến thơ tôi. Tôi không dám si mê, cũng không dám hòai vọng. Một mai tôi chết, nghĩa là tôi không còn sống. Tôi sống trong cơn dại cơn điên. Tôi làm thơ trong cơn điên cơn dại. Nghĩa là tôi chết hai ba lần trong trận sống…” Vậy nên:

” Nghe tin con chết giữa đườngMẫu thân Phùng Khánh càng thương con nhiềuCon bèn tái điệp dấn liềuChết thêm một trận hoang liêu song trùng”…

Ông điên vì sung mãn minh triết hay điên vì thường xuyên trong trạng thái đãng trí,thơ thẩn ? Có lẽ cả hai. Dù sao, khi nói về ông tôi chỉ muốn nói về đời sống thi ca của ông, còn cái uyên bác triết học kia, cái sung mãn đến nhức nhối quằn quại kiểu Zarathustra kia tôi muốn để im cho ông mang theo về với cõi vĩnh hằng…

Hoài Thanh bảo rằng Lưu trọng Lư là nhà thơ có đời sống rất thơ. Cũng như thế, tôi thấy Bùi Giáng là nhà thơ có đời sống thơ đích thực. Ông luôn luôn trong trạng thái mộng mị chiêm bao: “Bình sinh đi giữa phố thị thì mộng mị chuyện trong rừng, mà trong chiêm bao đang cư lưu ở trong rừng thì lại mơ mòng về phồn hoa phố thị với cà phê, phở tái lai rai…“

Hãy nghe:

“Cõi đông bắc một mình tôi chân bướcMiệng ca ngâm tìm kiếm mộng tây namĐi suốt xứ khắp đường ngang lối dọcHồn chiêm bao một thế giới muôn vàn”

Với đời sống thơ đích thực đó, ông tự thấy mình không thể đồng điệu với xung quanh. Ông luôn cảm thấy cô đơn không bạn bè. ” …Vào trong bờ cõi nào bát ngát, Trung niên thi sĩ cũng tự biến mình làm người khách lạ mênh mông…“

Người khách lạ ấy như luôn bị một lực gì thôi thúc phải ra đi. Đi, nghĩa là chấp nhận giã từ cõi xuân xanh, là chấp nhận biệt ly với bến đào nguyên xa xưa mà một thời người đã từng …

” Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đóBến đào nguyên anh khóat áo khinh cừu”

Càng đi càng thấy cách xa bờ cõi ban sơ nguyên màu. Nhưng lữ khách vẫn phải đi mãi trong sự kiếm tìm và hòai vọng.

” Từ giấc ngủ mùa xuân tôi bướcThu miên man ở trước mặt chàoVần thơ tim máu nghêu ngaoHùng tâm nửa chặng chiêm bao giật mìnhTừ giấc ngủ nín thinh tôi bướcHọ và tên tôi khước từ luônMùa xuân hạ tứ buông tuồngDiện tiền viễn vọng cội nguồn sau lưng”

Bùi Giáng có rất nhiều mẹ trong cõi thơ. Bỡi vì ông “ bạ đâu gọi đó là mẫu thân” . Ông viết :

“ Một lần mẹ đẻ con raHai lần, hai mẹ đẻ ra một lần.”

Mà đã hai lần được thì “ba lần , ba mẹ đẻ ra một lần” , và rồi bốn, rồi năm, rồi trăm lần trăm mẹ đẻ ra một lần, cũng thế thôi.

Dẫu sao, vì trước lúc lên đường, những người mẹ đã vô tình trao cho ông một niềm trắc ẩn:

” Mẹ về trong cõi người taMột hôm mẹ gọi con ra bảo rằngTrần gian thơ mộng lắm chăngHay là đau đớn ? Hử thằng chiêm bao ?”

Niềm trắc ẩn cứ gợi hòai những nỗi niềm riêng chung, nên người đi cứ phải mãi chạnh lòng. Chạnh lòng với cả những gì đơn sơ nhất. Đơn sơ như bàn chân người con gái dẫm lên làn nước lạnh của suối nguồn:

” Người con gái lội qua kheBàn chân với nước lạnh đè lên nhauNỗi niềm tưởng lại xưa sauBàn chân với nước cùng nhau lại đè .”

Một khi niềm trắc ẩn đã mở được cánh cổng tâm hồn thì nỗi khắc khỏai, băn khoăn sẽ theo hòai với lữ khách trong từng chân bước. Cho nên:

” Những nhịp bước bên đường còn dội mãiVang về đâu không vọng lại hồi âmCủa réo rắt riêng một lần mãi mãiGió phương trời ủ mộng giữa hoa tâmEm hỏi mãi tuy biết lời đáp lạiChẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câmEm ngó mãi những chiều về trở lạiMang những gì về trong cõi trăm năm”

Cuộc giao thoa giữa những niềm trắc ẩn man man và những dâu bể đa đoan trãi nghiệm trên những nẻo đường, mà âm thanh đồng vọng là những tiếng thở dài của trần gian từ trong cái khoảng giữa của Sở Kiến và Sở Đắc làm cho bước chân của lữ khách có lúc bâng khuâng, có lúc chùng. Cũng từ độ đó, cuộc đi và người đi bỗng trở nên buồn bã và cô đơn như vầng ráng còn sót lại trong buổi hoàng hôn một cuối thu se lạnh…

Nhưng cô đơn tức là một mình một cõi hoặc giả bước đi trong một cõi ít bóng người. Đâu phải cô đơn là thóat được những phiền tóai, những lận đận xảy đến từ xung quanh ? Bởi cái cõi mà lữ khách bước đi là cõi trần thế . Nên muốn hay không muốn thì những muộn phiền lận đận cũng đã nhuốm màu lên mỗi một khung cảnh ở ven đường.

” Người xuống theo dòng trôi nước lũMàu sim màu móc núi xương mâySuối đá gập gềnh hôm sớm tụKhói mù mịt thổi xuống đồi câyNgười xuống theo thu thổi gió trờiHàng hàng mưa chảy tuyết đông rơiMột đời lận đận đo rồi đếmMỏi gối người đi đứng lại ngồi “

Và trong từng khoảnh khắc của cuộc đi, niềm rung động với những sắc màu của chân trời phía trước cũng hiện hữu đồng thời với cảm giác hoài vọng luyến tiếc những gì xưa cũ thuộc khung trời phía sau.

” Lớp phiêu bồng mọc trăng ngànThành xưa phố cũ muôn vàn phía sau”

Hoặc giả :

” Em cho phép ta ngồi đây hỏi lạiVà gọi về trăng mùa cũ lang thangMàu thời đó để ngàn sương hớt hãiXuống li ti là dựng vội con đường”

***

Như vậy là từ khởi thủy bị thôi thúc phải ra đi. Ra đi mang theo niềm trắc ẩn để mãi băn khoăn và kiếm tìm nơi chân trời phía trước. Rồi những muộn phiền lận đận, những hòai vọng khung trời phía sau lưng… Cho đến một lúc nào, người đi bỗng sực tỉnh sau những đa đoan dâu bể, và kịp nhận ra rằng phía trước hun hút cuối con đường, là chốn nguyên sơ, hay là chốn nguyên xuân. Nơi từ đó ta đi. Nơi từ đó ta về.

Ra đi từ cõi mộng nguyên xuân. Cõi ta về vẫn là chốn sơ nguyên mộng. Ấy vậy nên:

” Lên mù sương xuống mù sươngBước xa bờ cỏ xa đường thương yêuTuổi thơ em có buồn nhiềuHãy xin cứ để bóng chiều bay quaBiển dâu sực tỉnh giang hàCòn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh”

Nhưng con đường thì hun hút xa dịu vợi mà bước mãi rồi cũng chỉ quẩn quanh trong giới hạn của một kiếp người. Nên có một lúc người đi chợt thấy mình như úa đi một cách tàn tạ. Trong chiêm bao thường mơ thấy mình được yên ả nơi bến bờ xa xưa cũ…

” Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũMộng xanh ngần giậy nối mộng em xưaNgó non nước giữa sớm chiều tư lựĐón mơ màng về thổi gió lưa thưa”

***

Bây giờ thì ông đã đến được với bến bờ ông mơ ước.

Để về được với cái cõi mộng xanh ngần kia, ông không thể bước những bước như đã từng bước đi, mà phải ra đi theo thể điệu của chàng Hòang tử bé của Saint Exupéry …

” Người đã định một lần thôi để hỏngĐường vu vơ về chốn cũ trăm nămMiền cát lạnh chân lạc đà bé bỏngBóng hình em tơi tả dưới trăng rằm”

Dù đi theo thể thái điên khùng thơ dại, hay theo thể thái của giác ngộ tinh anh, thì ông cũng đã có những bước đi bước về kỳ diệu.

Nói cách khác là ông đã hòan thành sứ mạng mà thượng đế đã giao cho một kiếp người nghệ sĩ. Một kiếp người chỉ biết sống để sáng tạo và hiến dâng.

Bui GiangCũng giống như chú Hoàng tử bé kia, lúc ra đi đã phải biến mình thành một ánh vàng giữa sa mạc. Duy chỉ khác một điều là ánh vàng của ông không về với bất kỳ một tinh cầu xa xôi nào, mà vẫn tồn tại mãi ở trần gian như là một tặng vật ông muốn dâng tặng cho tất cả…

” Tặng vật của ngàn nămĐi về trong sương tuyếtPhân phối đêm trăng rằmDàn chia trời mắt ngước

Lãng đãng bóng xa trôiKhép mở liễu thông đồiNhành Lê bên cửa rụngRừng tía giữa khung đời

Mùa hoa đầu đi biệtKỷ niệm đầu lãng quênNhành Sim đầu phai lụcTường Vi nhạt bên thềm.”

Thanh Nguyên

- Kỷ niệm 12 năm ngày mất của tiên sinh, cố thi sỹ Bùi Giáng . Thay cho một nén nhang và đôi giọt lệ trong ngày giỗ bác Giáng.- Tặng Chính Rùa, Guitar, Thuyên, Xù, Ngộ, Nị, Người xưa, Mỹ Vân … Và các anh chị bạn đọc thường xuyên theo dõi và phản hồi trên trang web của cựu học sinh CĐ 68-75.

Note: . Tất cả những chữ trong ngoặc “… ” được in nghiêng là của cố thi sĩ. Trích từ nhiều tác phẩm, tài liệu, thư từ của ông.

Tóm tắc tiểu sử Bùi Giáng ( Tài liệu từ Wikipedia )

Bùi Giáng sinh ngày 17 - 12 -1926 . Tại Thanh Châu - Vĩnh Trinh - Duy Xuyên - Quảng Nam. Mất ngày 7 - 10 - 1998. Là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học.

Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn , ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì thế chiến thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung.

Bùi Giáng cưới vợ năm 18 tuổi (1944), vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.

Rồi Bùi Giáng theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Ông qua Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học bằng cách đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam rồi theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi 2 năm.

Tháng 5-1952, Bùi Giáng ra Huế thi lấy bằng tú tài để có thể vào Sài Gòn theo học ĐH. Nhưng một lần nữa ông lại bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở ĐH Văn khoa. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa.

Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Những người thân cận cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách.Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Truyện Phan Trần, Hoa Tiên, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm…Ông nổi tiếng bởi tốc độ sáng tác nhanh: Tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992.

Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền nam Việt Nam trước 1975 . Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị nghìn bài .Năm 1969, tất cả sách vở cùng với nhà cửa bị một cháy hết trong một cơn hỏa hoạn. Ông bị sốc nặng, từ đó trở đi ông là bệnh nhân quen thuộc của viện dưỡng trí Biên Hòa .

Sau năm 1975, ông không bị đi học tập cải tạo như nhiều văn sĩ miền Nam khác vì ông bị mắc bệnh tâm thần .

Từ 1975 trở đi ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông có biểu hiện bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy, nhiều lần bị công an bắt vì gây rối trật tự, cản trở giao thông.

Tháng 10 năm 1998, trong một lần đi chơi ông bị té, chấn thương sọ não. Sau khi hỏi ý kiến của nghệ sĩ Kim Cương, bệnh viện Chợ Rẫy quyết định mổ cho ông, song ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 10, 1998.

Số lần đọc: 3580

0 Thích
Chia sẻ
  • Chia sẻ Facebook
  • Chia sẻ Twitter
  • Chia sẻ Zalo
  • Chia sẻ Pinterest
In
  • Điều khoản sử dụng
  • Chính sách bảo mật
  • Cookies
  • RSS
  • Điều khoản sử dụng
  • Chính sách bảo mật
  • Cookies
  • RSS

Trang thông tin tổng hợp lytc

Website lytc là blog chia sẻ vui về đời sống ở nhiều chủ đề khác nhau giúp cho mọi người dễ dàng cập nhật kiến thức. Đặc biệt có tiêu điểm quan trọng cho các bạn trẻ hiện nay.

© 2025 - lytc

Kết nối với lytc

vntre
vntre
vntre
vntre
vntre
Trang thông tin tổng hợp
  • Trang chủ
  • Ẩm Thực
  • Công Nghệ
  • Kinh Nghiệm Sống
  • Du Lịch
  • Hình Ảnh Đẹp
  • Làm Đẹp
  • Phòng Thủy
  • Xe Đẹp
  • Du Học
Đăng ký / Đăng nhập
Quên mật khẩu?
Chưa có tài khoản? Đăng ký